Những bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ khi giao mùa và cách phòng tránh
Trong giai đoạn giao mùa, thường nhiệt độ chênh lệch giữa đêm – ngày lớn. Kèm theo đó là sự xuất hiện cơn mưa bất chợt, độ ẩm không khí cao tạo điều kiện thuận lợi để virus gây bệnh phát triển. Đây chính là thời điểm dịch cúm, sốt xuất huyết, tiêu chảy, viêm đường hô hấp… bùng phát mạnh.
Những bệnh này trẻ nhỏ rất dễ mắc phải bởi sức đề kháng, hệ miễn dịch của bé còn kém. Vì thế, chúng ta cần trang bị cho mình kiến thức để có những biện pháp phòng bệnh đúng cách cho các thành viên trong gia đình.
Cảm cúm

Bệnh cảm cúm là bệnh truyền nhiễm lây từ người này sang người khác, qua đường hô hấp một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Sau khi nhiễm phải virus 24-48 tiếng sau, người bệnh thường biểu hiện các triệu chứng sau:
Sốt: Đa số khi mắc cúm mọi người thường sốt. Cúm mùa thì thường sốt cao đột ngột, có thể trên 38,5-39 độ C. Cảm lạnh thông thường sốt nhẹ hơn hoặc có trường hợp không bị sốt.
Hội chứng viêm long đường hô hấp trên: Người bệnh sẽ ho và ngạt mũi. Biểu hiện ho, khởi đầu là ho khan, sau 1-3 ngày có thể ho có đờm.
Sổ mũi: Mới đầu khi mắc cảm cúm, dịch mũi lúc đầu trong, loãng. Nhưng nếu không được vệ sinh sạch sẽ để ứ đọng nhiều hoặc bị bội nhiễm vi khuẩn thì dịch chuyển dần qua dạng keo màu đục, xanh hoặc vàng.
Đau họng, rát cổ: Cổ họng có cảm giác khô, nuốt gì cũng thấy đau.
Các triệu chứng khác: Ngoài những biểu hiện trên, người bệnh đôi khi sẽ cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, nôn, tiêu phân lỏng.
Phòng tránh
- Cần giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi, nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với nhiều người, nhất là với những người có biểu hiện bị cúm.
- Vệ sinh mũi, miệng cho trẻ để tránh viêm tai, mũi, họng.
- Nếu trẻ đau họng, khó nuốt nên chế biến đồ ăn dạng mềm như cháo, súp hoặc dạng nước như bún, phở. Bữa ăn phải đủ dinh dưỡng và tăng cường thêm vitamin C, cho trẻ uống nước đầy đủ để giúp trẻ có sức đề kháng.
- Đối với trường hợp các bé được trên 6 tháng tuổi, có thể tiêm phòng cúm cho bé mỗi năm một lần để phòng tránh bệnh.
Sốt phát ban

Sốt phát ban chủ yếu gặp ở nước ta là bệnh sởi do virus sởi gây ra, bệnh Rubella do virus Rubella gây ra. Bệnh thường lây truyền qua đường hô hấp, từ người qua người.
Với sốt phát ban, hầu hết các trường hợp bắt đầu với triệu chứng sốt cao từng cơn. Khi đó, thân nhiệt của người bệnh có thể tăng lên 39-40 độ C, kèm theo xuất hiện ho, đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, mệt mỏi, có thể nôn mửa. Các hạch khu vực đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau có thể nhìn hoặc sờ thấy…
Ở phần dưới da sẽ xuất hiện những chấm xuất huyết nhỏ li ti (phát ban) ở vùng mặt rồi sau đó lan nhanh ra toàn thân và chân tay. Vùng bị ảnh hưởng nặng nhất là thân mình và tứ chi. Hầu hết bệnh sốt phát ban từ ngày thứ 4 trở đi người bệnh sẽ cắt cơn, giảm sốt, hết sốt, ăn được. Những chấm xuất huyết dưới da sau 3 -5 ngày phát ban sẽ lặn.
Phòng tránh
- Cần cho trẻ tiêm phòng Sởi và Rubella giúp cơ thể trẻ tạo ra kháng nguyên, kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể. Kháng thể này được hình thành có nhiệm vụ tiêu diệt virus, vi khuẩn và tồn tại trong máu để bảo vệ cơ thể chống các tác nhân gây bệnh ở những lần xâm nhập sau.
Viêm tai
Viêm tai hay nhiễm trùng tai hay ở trẻ là tình trạng phổ biến khi thời tiết lạnh. Nguyên nhân vì vòi Eustachian, kết nối giữa màng nhĩ với mặt sau của mũi, được đặt ở một góc ngang (ở người lớn đó là đường chéo hoặc thẳng đứng). Vì kết cấu đó nên các dịch nhầy ở mũi và miệng dễ bị chảy vào tai gây tình trạng viêm nhiễm.
Khi bị viêm tai, trẻ sẽ thấy đau tai, khó nghe, hay nằm nghiêng bên tai bị đau, chảy dịch ở tai, sốt cao, thậm chí là buồn nôn.
Phòng tránh
- Giữ vệ sinh cho trẻ, nhất là bàn tay, mũi, họng. Khi mũi, họng thông thoáng không tích tụ dịch khi đó sẽ không chảy vào tai.
- Dùng tăm bông thấm sạch thấm nước muối sinh lý vệ sinh tai cho bé, tránh việc tích tụ nước gây viêm nhiễm.
Viêm đường hô hấp
Cơ thể trẻ có sức đề kháng yếu và thời tiết thay đổi đột ngột, những vi khuẩn này hoạt động càng mạnh mẽ, nhất là ở mũi, họng gây ra các bệnh viêm đường hô hấp. Bệnh thường gặp nhất là viêm phế quản, viêm đường hô hấp, viêm phổi.
Bệnh lây truyền từ người qua người qua đường miệng, nước bọt hoặc tiếp xúc tay và các đồ dùng để ăn uống cùng với người bệnh.
Khi mắc các bệnh về viêm đường hô hấp, trẻ có thể sốt cao đột ngột, đau đầu, lạnh toàn thân, đau toàn thân; đau họng, ho, mệt mỏi; chán ăn, khó thở, tiêu chảy nhẹ…
Phòng tránh
- Để phòng ngừa các loại bệnh về đường hô hấp, cha mẹ cần giúp trẻ vệ sinh họng, miệng sạch sẽ như đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy.
- Vệ sinh sạch sẽ tay, chân bằng xà phòng. Khi ra đường, cần đeo khẩu trang, hạn chế đến chỗ đông người và tránh tiếp xúc khói thuốc lá, khói xe, bụi bẩn.
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé, vitamin C, tiêm phòng để phát triển hệ miễn dịch khỏe mạnh.
- Không gian sống thoáng, bầu không khí trong nhà luôn trong lành để phòng ngừa các loại vi khuẩn, virus.
Sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết (SXH), tác nhân gây bệnh là virus Dengue (Đăng gơ), bệnh lây từ người bệnh sang người. Đây được nhận định là một loại bệnh dịch nguy hiểm, nếu muỗi truyền bệnh càng nhiều, tốc độ lây lan bệnh càng nhanh.
Nếu trẻ mắc bệnh mà không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Biểu hiện của bệnh SXH:
Sốt và xuất huyết: Người bệnh thường sốt cao liên tục 3-4 ngày và khi sốt bắt đầu giảm sẽ bắt đầu xuất huyết, biểu hiện như da xung huyết (da đỏ ửng, môi khô đỏ tươi… do hiện tượng cô đặc máu), có chấm xuất huyết ở dưới da.
Biểu hiện khác: Ho, sổ mũi, đau nhức mình mẩy, đau nhức hố mắt, nôn và có thể tiêu chảy.
Thông thường từ ngày thứ 3, bệnh có tiến triển nặng, nhất là trẻ em, vì vậy, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời sẽ có nguy cơ diễn biến xấu bởi sốc hoặc do tổn thương các cơ quan khác.
Phòng tránh
- Không cho trẻ chơi, ở nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi đốt. Thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ. Khi ngủ phải ngủ trong màn.
- Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng tránh để muỗi tụ tập trong nhà
Bệnh thủy đậu

Thủy đậu do một loại vi rút mang tên Varicella Zoster (VZV) gây ra. Bệnh lây nhiễm nhanh qua đường hô hấp, chỉ cần người mắc thủy đậu nói, hắt hơi, các siêu vi đó theo nước bọt, nước mũi lan đi và dễ dàng bùng phát thành dịch.
Thời gian ủ bệnh từ 10-15 ngày, với triệu chứng nổi mụn nước ở khắp đầu mặt, tay chân và cơ thể. Chỉ trong vòng 12-24 giờ, mụn nước sẽ nổi trên toàn thân. Khi đó bé sẽ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, kèm theo đó là sốt nhẹ, biếng ăn. Sau 2-3 ngày mụn nước vỡ ra rồi đóng vẩy.
Phòng tránh
- Cách phòng ngừa hiệu quả bệnh thuỷ đậu hiện nay là tiêm vắc xin để phòng bệnh và tác dụng lâu dài, giúp cơ thể bé tạo kháng thể chống lại virus thủy đậu.
- Tăng cường sức đề kháng cho bé bằng việc bổ sung nhiều loại vitamin và khoáng chất cần thiết, ăn nhiều loại trái cây giàu vitamin C.
- Vệ sinh thật kỹ toàn bộ cơ thể của bé bằng xà bông diệt khuẩn.